Xúc động các cô giáo vùng cao gồng mình cõng bàn ghế 15 km mang con chữ đến với trò nghèo
- 30/11/2018
- 291 lượt xem
Gần đây, người ta lại nhiệt tình chia sẻ với nhau mấy tấm hình các cô giáo vùng cao bất chấp gió mưa, vượt rừng vượt núi đem “tình” và “chữ” đến cho những em học sinh nghèo.
Trong hình là các giáo viên của trường Tiểu học Hồng Thu, huyện Sin Hồ, tỉnh Lai Châu đã đi bộ qua 15 km đường rừng trơn trượt trong thời tiết xấu, gồng mình cõng trên lưng những chiếc ghế và bàn gỗ to nặng từ trường trung tâm về trường xã cho các em học sinh kịp đón khai giảng cùng các bạn dưới miền xuôi.
Cô giáo Phạm Thị Lục, đã có 14 năm mang tình yêu của mình thắp sáng nơi đây kể lại: “Năm nay, có ít học sinh trong điểm lẻ bản Pa Cha Ô quá nên nhà trường quyết định dồn lớp ra điểm bản trung tâm. Sáng hôm qua, trường chúng tôi có huy động cả đoàn đến gần 40 giáo viên cùng nhau vận chuyển các bộ bàn ghế của học sinh từ điểm lẻ ra trung tâm xã”.
Nếu nhân vật chính trong những bức ảnh này là người tiều phu gánh củi hay người nông dân đội lúa, có lẽ cảm xúc của người ta cũng bớt nghẹn ngào đi một chút. Tuy nhiên, ở vào hoàn cảnh này, hành động của các cô giáo trẻ đã hóa thành biểu tượng của lòng nhiệt huyết với nghề và với trò.
Tuy nhiên, cô Lục chỉ khiêm tốn nói: “Thật ra, đây chỉ là một việc làm bình thường của những thầy cô giáo vùng cao mà thôi chứ không phải là việc gì quá to tát. Tuy có vất vả nhưng nghĩ tới cảnh các em học sinh có được những bộ bàn ghế lành lặn để học, trong lòng chúng tôi cũng thấy vui rồi”.
Mỗi người mỗi nghề và một cách yêu nghề khác nhau, nhưng đây không chỉ dừng lại ở sự yêu nghề nữa mà nó còn là tận tụy, là nồng nhiệt, là thương yêu những hoàn cảnh đói khổ. Người ta gọi đây là đạo đức nghề nghiệp!
Cô giáo Tần Huy Giao cũng là giáo viên gắn bó với bản được 6 năm rồi, cô chia sẻ cảm xúc: “Mình đã gắn bó ở vùng cao này tuy đời sống còn nhiều thiếu thốn nhưng tình yêu nghề, yêu học trò luôn cháy mãi trong mình”.
Cách đây không lâu, cộng đồng mạng cũng tích cực chia sẻ bức ảnh một cô giáo trẻ vùng cao Mù Cang Chải ngã sõng soài trên đường trơn đầy bùn đất đã làm lay động trái tim biết bao người.
Có lẽ, chỉ có ai lên đến đây rồi mới hiểu được những trắc trở và gập ghềnh mà người thầy người trò nơi đây phải đối mặt hàng ngày. Ở nơi vùng cao xa xôi ấy, ngồi trên ô tô mà cần đợi cả chặng đường dài người ta mới trông thấy bóng một ngôi nhà, vậy nên việc động viên và tập trung các em nhỏ cùng đến trường trở thành một giấc mơ xa xỉ.
Xuất phát từ tấm lòng thương trẻ, thầy cô đã chẳng quản ngại đường mưa lấm bùn, chẳng quản khó nhọc hay hiểm nguy; vẫn vui vẻ động viên nhau đem tia nắng hy vọng đến cho những trẻ em nghèo nơi vùng xa nghèo khó. Gian khổ sẽ chẳng còn là bao khi họ luôn nghĩ rằng, nếu không đủ nhiệt tình sẽ chẳng khác nào trồng cây nơi thiếu ánh sáng. Câu chuyện về các cô đã trở thành bài học đạo đức thực tế hay hơn bất kỳ một tấm gương sáng nào các em được học từ sách vở.
Thử hỏi nếu không có lòng thành tâm với nghề, trước gian nan và khó nhọc như vậy, làm sao người ta lại có thể vượt qua? Chỉ có thể giải thích rằng, sự tận tâm với nghề với trò của họ thật lớn, lớn đến mức vượt trên cả nỗi khổ của chính họ. Điều họ mong mỏi là sao cho những đứa trẻ nơi miền xa này cũng được tới lớp tới trường, cũng được học chữ, viết chữ. Bằng tất cả những điều này, chúng ta chỉ có thể cảm phục tấm lòng của họ.
Người ta thường ví nghề giáo như nghề đưa đò qua sông, những chuyến đò xuôi ngược năm này nối qua năm khác, cứ vậy không bao giờ ngừng như nước trên dòng sông ấy không bao giờ cạn. Hình như người ta tin, nếu lòng thầy không khô héo thì nước sông cũng chẳng thể cạn.
Người thầy là người định hình nhân cách, gieo mầm kiến thức và đạo đức góp phần hình thành nền tảng tri thức của xã hội. Và giáo dục không phải là công cụ để hướng dẫn người ta cách kiếm sống làm giàu. Mà đó nên là con đường dẫn lối tâm hồn biết thực hành cái Chân, vươn đến cái Thiện và rèn luyện cái Nhẫn để hoàn thiện nhân cách một con người.
Nguồn: báo an ninh vn