Ưu tiên đào tạo sư phạm: Quan trọng là giữ chân người tài

Từ chính sách miễn học phí đối với học sinh, sinh viên ngành sư phạm được triển khai thời gian qua nhưng kết quả đạt được không như kỳ vọng, Bộ GDĐT vừa đề xuất quy định mới về chính sách tín dụng và hoàn trả khoản vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên ngành này. Theo đó, sinh viên có thể được vay tối đa 3,5 triệu đồng/tháng ngoài học phí.

bai doi moi Ảnh kèm bài Đổi mới Đào tạo sư phạm1

Không lo sinh viên… bỏ học

Mục tiêu chính sách cho vay đối với học sinh, sinh viên sư phạm nhằm để hỗ trợ chi trả chi phí đào tạo phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học ngành đào tạo giáo viên.

Nguyên tắc vay và hoàn trả khoản vay tín dụng sư phạm như sau: Việc cho vay tín dụng phải bảo đảm đủ để trả học phí và chi phí sinh hoạt cho toàn khóa học của học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên không phải trả khoản vay tín dụng nếu làm việc trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định. Học sinh, sinh viên sư phạm trong trường hợp không công tác trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp theo thời gian quy định tại Nghị định này thì có trách nhiệm hoàn trả khoản vay tín dụng.

Câu hỏi có nên tiếp tục miễn học phí cho sinh viên sư phạm đã được đặt ra từ lâu với nhiều quan điểm, góc nhìn. PGS.TS Nguyễn Văn Minh- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã nhiều lần nhấn mạnh chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm là cơ sở để chuẩn bị tốt cho giáo dục nhằm thu hút học sinh giỏi vào ngành, mặt khác, tạo cơ hội cho con em có khả năng ở các vùng miền khác nhau có thể trở thành các thầy cô giáo giỏi. Nhất là trong điều kiện ở nước ta con em nông dân, công nhân chiếm đa số, chính sách này vẫn có tác dụng. Nhưng không có chính sách nào là bất biến mà cần có sự điều chỉnh, bổ sung trong từng giai đoạn cho phù hợp.

Theo Bộ GDĐT, việc được miễn giảm học phí là một trong những lý do chính, thu hút được khoảng trên 50% sinh viên ngành sư phạm. Trước đó, một khảo sát được thực hiện tại Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long cho thấy 36,54% sinh viên năm thứ nhất chọn học tại trường vì lý do “miễn học phí”. Tác động của giáo dục hướng nghiệp và hiệu quả của nó đã bị chi phối nhiều bởi yếu tố học phí.

Bên cạnh đó, việc không quản lý được sinh viên hưởng chính sách miễn học phí có thực hiện đúng cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ trong ngành giáo dục và đào tạo hay không dẫn đến việc gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục. Bởi hiện nay, số sinh viên sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành, nghề không phải là hiếm. Không có bất cứ cơ quan, đơn vị hay bộ phận nào để kiểm tra xem sinh viên có thực hiện đúng cam kết này hay không…

Sự lãng phí này đã được chỉ ra từ lâu. Vấn đề là với những sinh viên sư phạm có hoàn cảnh khó khăn sẽ xoay sở ra sao? Khảo sát của Bộ GDĐT cho thấy, có 13,7% sinh viên khẳng định gia đình của họ có khả năng đóng tiền học phí, 18,8% khẳng định bản thân có khả năng tự đóng học phí, 22,1% sinh viên khẳng định vẫn tiếp tục học ngành sư phạm dù không được miễn học phí. Như vậy, không đủ luận cứ để khẳng định rằng sinh viên sư phạm có hoàn cảnh khó khăn sẽ bỏ học nếu chính sách này không tồn tại.

Sớm điều chỉnh cho phù hợp

Nhìn lại cơ chế tuyển dụng giáo viên của các tỉnh thành trên cả nước hiện nay, câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu học sinh giỏi muốn đầu quân vào ngành sư phạm, dù được hỗ trợ vay học phí và phí sinh hoạt? Rõ ràng, cánh cửa hẹp vào biên chế của ngành giáo dục là một thách thức không nhỏ với những học sinh nuôi ước mơ đứng trên bục giảng, khi mà có những tỉnh thành, nhiều năm không tổ chức thi tuyển giáo viên. Việc xin dạy hợp đồng mà không biết khi nào bị cắt hợp đồng, thậm chí là cắt đột ngột khiến nhiều giáo viên ngao ngán.

Thêm nữa, bài toán lương giáo viên chưa đủ sống nếu không phải chân trong chân ngoài, dạy thêm hoặc làm thêm ngành nghề khác cũng là một thực tế lâu nay đã nhắc đến nhiều nhưng chưa cải thiện được bao nhiêu? Nghề cao quý nhưng cũng đối mặt với vô vàn áp lực từ nhà trường, phụ huynh và học sinh khiến học sinh giỏi dù yêu thích ngành sư phạm cũng phải đắn đo khi lựa chọn…

Bài toán thừa – thiếu giáo viên bao giờ mới chấm dứt để những ước mơ được gắn bó với nghề mình đã chọn không còn dang dở? Cần quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm để đảm bảo đầu ra cho người học, tránh việc học xong rồi ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên ngành dù tốt nghiệp loại… giỏi!

Thu hút người tài không chỉ là những hỗ trợ học phí, phí sinh hoạt khi học… mà còn phải là cả những chính sách dài hơi sau khi tốt nghiệp, đi làm để người giáo viên tập trung sáng tạo với nghề. Như đề nghị tha thiết của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ với các đồng chí lãnh đạo ở các địa phương, đó là ưu tiên bố trí giáo viên, không giảm biên chế giáo viên một cách cơ học.

Nguồn: Đại Đoàn Kết

Chia sẻ

About Bitex_PTGD

Bitex_PTGD
Đam mê toán học. Quản trị viên Diễn Đàn Toán Casio. Mọi thắc mắc, quý thầy cô và các bạn học sinh vui lòng liên hệ vào hộp thư Inbox tại Fanpage: Diễn Đàn Toán Casio.

Bài Viết Tương Tự

1

ĐỢT 3-THỂ LỆ KỲ THI TRỰC TUYẾN GIẢI TOÁN TRÊN MÁY TÍNH CASIO NĂM 2023

ĐỢT 3-KỲ THI TRỰC TUYẾN GIẢI TOÁN TRÊN MÁY TÍNH CASIO NĂM 2023     …

×

Sai số! tác hại to lớn của việc sử dụng máy tính Casio giả và cách phòng tránh Chi tiết