NHỮNG LỢI ÍCH KHI BIÊN SOẠN TÀI LIỆU BẰNG $ \LaTeX$

Đối với những người đã dùng $ \LaTeX$ một cách chuyên nghiệp thì câu trả lời đã rất rõ ràng. Bài viết này xin dành cho những bạn còn phân vân: Tại sao không dùng Word cho nhanh, vì Word cũng gõ được công thức toán, dùng $ \LaTeX$ làm chi cho… mệt?

Trả lời nhanh: Dùng $ \LaTeX$ không mệt như bạn nghĩ, khi đã thành thạo, bạn sẽ nhận ra dùng Word còn mệt hơn rất nhiều, dùng $ \LaTeX$ sẽ tối ưu hơn. Để chứng minh điều đó, mình sẽ liệt kê những lợi ích khi sử dụng $ \LaTeX$ để soạn luận văn, so với khi sử dụng Word+MathType để soạn luận văn.

Ở đây mình so sánh trong ngữ cảnh soạn luận văn để các bạn dễ hình dung các ưu thế của $ \LaTeX$. Tất nhiên nếu tài liệu chỉ là một đoạn text (không có công thức toán) thì dùng Word để soạn sau đó xuất ra file PDF sẽ tiện hơn.

1. Những lợi ích liên quan đến ký hiệu và công thức toán

Ký hiệu đẹp hơn, đồng đều hơn

Bạn đã bao giờ dùng MathType và nhận thấy một số ký hiệu toán có vẻ to hơn, hoặc đậm hơn một số ký hiệu khác một cách không mong muốn, hoặc không thẳng hàng với các ký tự khác trên cùng một dòng (rất thường gặp với các ký hiệu $\sum{};\prod{}$ và $\sqrt{…}$). Đó là một số lỗi rất khó chịu khi sử dụng Word.

Khi dùng $ \LaTeX$, trừ khi bạn cố tình chỉnh sửa cho khác đi, các ký hiệu toán đều đồng nhất với nhau về độ đậm nhạt, về khoảng cách, về vị trí tương đối so với nhau.

Cho phép thay thế hàng loạt

Thử tưởng tượng bạn đã gõ vài chục trang luận văn bằng MathType, rồi một ngày bạn muốn thay ký hiệu $\Phi $ bằng ký hiệu đậm hơn $\boldsymbol{\Phi}$. Khi đó, bạn chỉ có cách duy nhất là đọc lại, dò tìm và thay thế từng chỗ.

Nhưng với $ \LaTeX$, bạn chỉ việc “định nghĩa lại” lệnh \Phi bằng lệnh \boldsymbol{\Phi} (Xem bài Tự định nghĩa lệnh $ \LaTeX$ cho riêng mình). Hoặc đơn giản hơn, bạn chỉ việc dùng chức năng Replace All trong các trình soạn thảo $ \TeX$.

Cho phép thay đổi style hàng loạt

Tương tự với thay thế hàng loạt một hoặc một vài ký hiệu, bạn có thể thay đổi style của các ký hiệu hàng loạt chỉ với vài dòng lệnh đơn giản.

Ví dụ bạn muốn đổi style của tất cả các ký hiệu toán học từ serif sang sans serif, chỉ cần thêm lệnh sau đây vào ngay trước \begin{document}:

Kết quả như hình dưới đây

luan van voi

Nếu bạn sử dụng Word+MathType, bạn không có cách nào làm được việc tương tự, chỉ có thể dò tìm và thay đổi từng chỗ.

2. Những lợi ích liên quan đến bố cục

Bố cục là cái “hình dáng” tổng thể của tài liệu. Khi nói đến bố cục là nói đến các khoảng cách. Có rất nhiều khoảng cách chúng ta phải xét đến:

  • Khoảng cách giữa các đoạn văn bản
  • Khoảng cách giữa các dòng trong một đoạn
  • Khoảng cách giữa các chữ trong một dòng
  • Khoảng cách từ tên chương đến nội dung của chương
  • Khoảng cách từ tiêu đề mục đến nội dung của mục
  • Khoảng cách trước và sau công thức
  • Khoảng cách giữa các dòng công thức (đối với công thức nhiều dòng)
  • Khoảng cách từ hình ảnh đến chú thích của hình ảnh
  • Độ rộng của khoảng thụt đầu dòng
  • Độ rộng từ dấu chấm liệt kê đến nội dung
  • Độ rộng từ dòng cuối đến footnote của trang đó
  • ……

Và còn rất nhiều khoảng cách rất chi tiết nữa mà khi chúng ta viết luận văn chúng ra sẽ phải “đụng” đến, ví dụ khoảng cách giữa các dòng mục lục, khoảng cách từ số của Section đến tên của section, khoảng cách từ chân header đến đường kẻ phân cách, v.v…

Bố cục nhất quán, chính xác

Mình đồng ý rằng có một vài khoảng cách có thể tuỳ chỉnh trong Word, nhưng rất nhiều khoảng cách không thể chỉnh sửa nhất quán được, đặc biệt là không thể chỉnh sửa hàng loạt được. Ví dụ: khoảng cách từ hình ảnh đến caption, khoảng cách trước và sau công thức toán v.v…

Với $ \LaTeX$, bạn có thể chỉnh sửa “tận răng” những yếu tố trên. Quan trọng nhất là bạn có thể chỉnh sửa chúng một cách hàng loạt với chỉ vài dòng lệnh. Văn bản của bạn sẽ thống nhất từ đầu đến cuối.

3. Những lợi ích liên quan đến đánh số

Khi soạn luận văn hoặc bài báo khoa học, chắc chắn bạn phải đánh số phương trình để nhắc lại chúng.

Không những đánh số phương trình, bạn còn phải đánh số hình ảnh, đánh số bảng biểu, đánh số section,… để nhắc đến chúng khi cần.

Đánh số phương trình

Khi dùng $ \LaTeX$, phương trình sẽ được đánh số tự động. Bạn có thể lựa chọn cách đánh số tuỳ ý :

  • Đánh số mọi phương trình theo thứ tự tăng dần xuyên suốt tài liệu. Tức là phương trình xuất hiện đầu tiên sẽ được đánh số (1), phương trình xuất hiện thứ hai sẽ được đánh số (2), v.v… Tất nhiên bạn cũng có thể bỏ đánh số một số phương trình ở bất kì vị trí nào, khi đó những phương trình còn lại sẽ được tự động đánh số lại.
  • Đánh số phương trình theo Chương, theo Section, theo Subsection. Ví dụ:
    • Đánh số theo Chương: Tất cả phương trình trong chương 1 sẽ được đánh số theo thứ tự: 1.1, 1.2, 1.3, v.v… Tất cả phương trình trong chương 2 sẽ được đánh số theo thứ tự: 2.1, 2.2, 2.3 v.v…
    • Đánh số theo Section: Tất cả phương trình trong Section 1.1 sẽ được đánh số theo thứ tự: 1.1.1, 1.1.2, 1.1.3, v.v… Tất cả phương trình trong Section 9.9 sẽ được đánh số theo thứ tự: 9.9.1, 9.9.2, 9.9.3, v.v…
  • Đánh số bằng kí tự alphabet hoặc La Mã. Ví dụ: (a), (b), (c), v.v… Hoặc ví dụ: 1.1.a, 1.1.b, 1.1.c, v.v…

Một lần nữa, ưu thế của $ \LaTeX$ là ở khả năng chỉnh sửa hàng loạt. Tức là khi cần thay đổi cách đánh số hoặc thay đổi màu sắc của số, hoặc in đâm/in nghiêng số phương trình… bạn chỉ việc thiết đặt lại bằng vài dòng lệnh, mà không phải sửa cho từng chỗ có đánh số.

Tham chiếu phương trình

Mục đích chính của việc đánh số phương trình là để tham chiếu. Ví dụ:

  • Phương trình (9) không có nghiệm nguyên.
  • Ma trận $A$ trong phương trình (10) chính là ma trận hiệp phương sai của $X$.

Nhìn vào hai ví dụ trên, nếu soạn thảo bằng Word, bạn sẽ phải gõ lại chính xác số 9 và số 10. Điều này rất tiềm ẩn nguy cơ nhầm số phương trình, vì khi bạn thêm một phương trình mới vào thì các số 9 và 10 đó có thể sẽ không còn được giữ nguyên như vậy, mà bị mất thứ tự, ví dụ 9 thành 1010 thành 11. Khi đó bạn sẽ phải dò tìm và gõ lại các chỗ tham chiếu !!

Nhưng nếu soạn thảo bằng $ \LaTeX$, điều bạn cần quan tâm chỉ là label của phương trình (tên của phương trình), chứ không phải số chính xác của phương trình. Chỉ cần bạn tham chiếu đúng label, thì số sẽ tự động khớp. Tức là, nếu số phương trình có bị thay đổi (vì lí do bạn chèn thêm phương trình,…) thì ở chỗ tham chiếu, số chính xác của phương trình đó cũng được tự động cập nhật theo.

Điều này rất quan trọng vì trong luận văn hoặc bài báo toán học, chắc chắn bạn phải tham chiếu chéo rất nhiều lần, đặc biệt nếu bạn đánh số phương trình theo Chương, Section thì việc đánh số và tham chiếu thủ công là gần như không thể (tất nhiên, nếu bạn “quyết tâm” thì có thể làm được :-P).

Đánh số và tham chiếu chapter, section, subsection, hình ảnh, bảng biểu

Tương tự với đánh số và tham chiếu phương trình, $ \LaTeX$ cho phép bạn đánh số và tham chiếu các Chương, Mục, Hình ảnh, Bảng biểu một cách tự động. Chỉ cần gán cho chúng một cái tên, khi cần tham chiếu, chỉ cần nhắc đến cái tên đó thì số chính xác sẽ được thay vào.

Về việc tuỳ chỉnh hiển thị các tiêu đề của Chương, Mục. Với $ \LaTeX$, bạn có thể thay đổi màu sắc, cỡ chữ của tất cả các tiêu đề chỉ với vài dòng lệnh, bạn không phải bôi đen từng tiêu đề, sau đó chọn màu, tăng cỡ chữ như trong Word.

Bình thường, $ \LaTeX$ sẽ tự động lấy các tiêu đề của Chương, Mục để đưa vào mục lụcheader. Tuy nhiên, đôi khi những tiêu đề này quá dài, làm mất thẩm mỹ của mục lục và header. $ \LaTeX$ cho phép bạn chọn tiêu đề riêng cho mục lục và header, khác với tiêu đề chính.

4. Những lợi ích liên quan đến quản lí tài liệu, quản lí trích dẫn

Bạn có thể chia tài liệu của mình thành nhiều file nhỏ. Ví dụ:

  • File cover.tex dùng để chứa trang bìa
  • File chapter_1.tex dùng để chứa nội dung Chương 1
  • File chapter_2.tex dùng để chứa nội dung Chương 2
  • File references.bib dùng để chứa các tài liệu trích dẫn
  • File thesis.tex Đây là file chính, dùng để chứa các khai báo, các thiết đặt… Trong file này, bạn chỉ việc chèn các file phía trên vào, bằng lệnh \include{cover.tex}, \include{_1.tex} …

Việc này rất thuận tiện, cho phép bạn rà soát lỗi của từng chương, đồng thời giảm thời gian biên dịch khi chỉ cần biên dịch mỗi chương bạn đang viết.

Về quản lí tài liệu trích dẫn. Nếu các bạn có rất nhiều tài liệu trích dẫn trong luận văn của bạn, bạn không thể gõ lại các mục trích dẫn đó một cách thủ công được.

Thay vào đó, bạn đưa tất cả bài báo và sách mà bạn đã trích dẫn và có khả năng sẽ trích dẫn vào một file .bib (không cần theo thứ tự nào cả, chỉ cần đúng format). Mỗi tài liệu sẽ có label riêng. Khi đó, tương tự như tham chiếu phương trình, khi bạn muốn trích dẫn một tài liệu nào, bạn chỉ việc nhắc đến label của tài liệu đó. Thì tài liệu mà bạn nhắc đến sẽ tự động được liệt kê và danh sách tài liệu trích dẫn theo đúng thứ tự và theo đúng format (thông thường sẽ là: Tên tác giả, tên tài liệu, nhà xuất bản, năm xuất bản, số trang,…).

Cách quản lí tài liệu trích dẫn như trên rất thuận tiện, vì mỗi bài báo hoặc sách khoa học khi phát hành thường đi kèm một đoạn code BibTeX riêng của nó, tương tự như sau:

@article{mclachlan2000wiley,
title={Wiley series in probability and statistics},
author={McLachlan, Geoffrey and Peel, David},
journal={Finite Mixture Models},
pages={420--427},
year={2000},
publisher={John Wiley \& Sons Hoboken, NJ}
}

Như vậy, bạn chỉ cần sưu tầm những đoạn này và để dành vào file .bib của bạn. Khi cần dùng chỉ việc nhắc đến cái label, ví dụ [1]

5. Những lợi ích khác

Sau đây là những so sánh khác giữa việc sử dụng $ \LaTeX$ và sử dụng Word.

Chất lượng hình ảnh

Cả Word và $ \LaTeX$ đều cho phép chèn hình, cho phép xuất ra file PDF. Tuy nhiên, hình ảnh chèn vào Word phải có các định dạng như .jpg hoặc .png hoặc .gif,… Những hình này, nếu muốn không bị vỡ hình khi xuất ra PDF thì phải có chất lượng cực cao (độ phân giải cực cao), dẫn đến file PDF dung lượng rất lớn.

latex cho luan van

Với $ \LaTeX$, ngoài những định dạng trên, bạn có thể chèn hình với định dạng .eps hoặc .svg,… Đây đều là những vector image, bạn có thể kéo dãn chúng bao nhiêu tuỳ thích mà không bị vỡ hình, đặc biệt dung lượng của chúng cực kì bé. Đa số những software hay framework vẽ hình khoa học hiện nay đều cho phép xuất hình với các định dạng này.

Tái sử dụng

Bạn có thể gặp chút khó khăn đầu tiên khi sử dụng $ \LaTeX$, nhưng khi đã sử dụng quen, bạn sẽ cảm thấy việc gõ các công thức toán rất nhẹ nhàng và nhanh hơn khi sử dụng MathType.

Đặc biệt, nếu bạn đã chăm chút cho bài báo, luận văn của mình thật đẹp rồi, thì bạn chỉ cần sử dụng file đó để làm khung sườn cho những bài báo, luận văn tiếp theo. Nếu không thích option nào, bạn chỉ việc Tắt/Mở option đó bằng cách Comment/Uncomment các câu lệnh tương ứng.

Bạn không thể tái sử dụng format của file Word được. Bạn phải làm lại từ đầu: in đậm, tăng cỡ chữ, chỉnh màu sắc, căn dòng,…. từng phần, từng câu, từng tiêu đề.

Miễn phí sử dụng

$ \LaTeX$ được phát hành miễn phí. Còn Word thì bạn phải mua bản quyền từ 50 đến 150 euro, tuỳ phiên bản.

6. Một số trường hợp bạn nên dùng Word

Nếu bạn đã biết cách sử dụng $ \LaTeX$, thì bạn vẫn nên dùng Word khi cần tạo nhanh những tài liệu tương tự như sau:

luan van bang

Ý mình muốn nói những tài liệu ngắn, đơn giản, không công thức, không tham chiếu. Nên sử dụng Word tiết kiệm thời gian.

7. Tổng kết

Mình xin tổng kết lại một số điểm khác biệt giữa Word và $ \LaTeX$

Word + MathType $ \LaTeX$
Vừa gõ văn bản, vừa phải định dạng thủ công từng phần văn bản. Chỉ cần quy định chính xác cấu trúc. Sau khi biên dịch thì nội dung có cấu trúc gì thì sẽ hiển thị theo format của cấu trúc đó.
Công thức, ký hiệu toán học không đồng đều. Khó chỉnh sửa đồng loạt. Ký hiệu đẹp, đúng chuẩn. Dễ dàng thay thế, chỉnh sửa đồng loạt chỉ với vài lệnh.
Để có bố cục đẹp, phải căn chỉnh lần lượt từng phần của tài liệu. Chỉ cần quy định bố cục bằng các dòng lênh, bố cục văn bản sẽ đồng đều, thống nhất.
Đánh số và tham chiếu phương trình (hình ảnh, chương mục…) một cách thủ công. Phương trình được đánh số tự động. Để tham chiếu, chỉ cần gán label cho phương trình, khi cần nhắc đến phương trình, chỉ cần gọi lại label đó.
Nếu tất cả nội dung dồn vô 1 file, thì file sẽ rất nặng, khó làm việc. (Bạn nào đã làm việc với file .doc khoảng >100 trang hoặc dung lượng >10MB sẽ hiểu nỗi khổ khi cuộn trang). Vì chỉ toàn là mã code nên file rất nhẹ, dễ chia sẻ (Riêng mình, chưa có file nào quá 500kB)
Không thể tái sử dụng format. Mỗi lần soạn tài liệu mới, bạn phải format lại từ đầu. Có thể tái sử dụng. Tài liệu sau có thể dùng format của tài liệu trước, chỉ cần sửa nội dung.

Nếu bạn bè của bạn thắc mắc tại sao bạn dùng $ \LaTeX$ thì hãy gửi ngay cho họ bài viết này nhé ! ?

Nguồn: Texmath

References
    Chia sẻ

    About Bitex Khánh Vũ

    Bitex Khánh Vũ

    Bài Viết Tương Tự

    1

    ĐỢT 3-THỂ LỆ KỲ THI TRỰC TUYẾN GIẢI TOÁN TRÊN MÁY TÍNH CASIO NĂM 2023

    ĐỢT 3-KỲ THI TRỰC TUYẾN GIẢI TOÁN TRÊN MÁY TÍNH CASIO NĂM 2023     …

    ×

    Sai số! tác hại to lớn của việc sử dụng máy tính Casio giả và cách phòng tránh Chi tiết