Bậc tiểu học ở Copenhagen

Trong khi xã hội Việt Nam đang chứng kiến những “nỗi buồn” giáo dục thì những ghi chép tản mạn về chuyện đi học của những đứa trẻ ở Copenhagen, Đan Mạch sẽ giúp người đọc có thêm thông tin tham khảo về nền giáo dục ở xứ người.

4617b truong cong 600

Cháu ngoại tôi, bé trai lớp 4, bé gái lớp cuối mẫu giáo, đang học tại trường Tiểu học Quốc tế (CIS) Copenhagen. Vợ chồng một em gái Việt Nam ở đây đã năm năm bảo tôi:

– Con cái đến trường rồi thì bố mẹ hoàn toàn yên tâm.

Suốt cả năm học cô chủ nhiệm lớp chỉ mời phụ huynh đến họp một lần duy nhất, ấy là khi nội dung họp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của toàn thể học sinh và phụ huynh.

Bình thường hàng tháng nhà trường duy trì liên lạc thường xuyên với phụ huynh qua e-mail, điện thoại.

Trong trường hợp cần thiết, phụ huynh có thể tới trường đặt lịch hẹn làm việc với giáo viên chủ nhiệm.

Mỗi phụ huynh có thể hẹn mỗi tháng một, hai lần.

Và đã hẹn là phải đúng giờ, nếu trễ, cô giáo sẽ làm việc với phụ huynh hẹn kế tiếp, và phụ huynh lỡ hẹn sẽ mất cơ hội trao đổi…

Việc phụ huynh gặp giáo viên chủ nhiệm để trao đổi về mọi mặt của con em mình đã thành quy định, và hoàn toàn được giữ kín. Học sinh học tiểu học không có xếp hạng kết quả học tập, không chấm điểm.

Vì vậy vấn đề trao đổi với phụ huynh chủ yếu là về sự hòa đồng, phản ứng nhanh chậm, sở trường, sở đoản, kỹ năng sống và các biểu hiện ưu điểm, yếu điểm khác…

***

Ở trường, học sinh có rất nhiều cơ hội thuyết trình trước lớp. Trong một lần thuyết trình, cháu ngoại tôi thưa với thầy giáo:

– Em thích đồ họa, thích xây dựng phim hoạt hình, nhưng em không thích môn toán.

Bữa gặp mẹ cháu, thầy giáo nói rằng:

– Không phải cháu không thích môn toán đâu, mà là cháu không dành đủ thời gian thích hợp cho môn toán thôi. Để cháu có được sự hưng phấn khi học toán, chúng tôi đề xuất với ông bà phương pháp như thế này… thế này… Đúng vậy, bây giờ thì cháu ngoại tôi đã học toán tốt hẳn lên…

Cháu tôi bảo: Chúng cháu không phải học thuộc lòng môn học nào hết. Các môn học luôn gắn với thực tế hàng ngày, thầy cô chỉ gợi ý để học sinh phải tự tìm ra các phương pháp giải quyết tốt nhất các bài toán thực tế ấy.

***

Ở trường, cũng có rất nhiều “đề tài khoa học” mini. Mỗi đề tài thường được giao cho nhóm từ 3-4 trò cùng làm, và sẽ được thuyết trình trước lớp, để nghe ý kiến đóng góp của các bạn và thầy cô.

Cháu tôi khoe vừa rồi cháu được giao đề tài “Di dân”, vì cháu vừa từ Việt Nam sang. Thế là nhóm cháu phải xem tranh ảnh ở viện bảo tàng, phải đọc và xem phim tư liệu miễn phí ở thư viện, tìm tư liệu trên mạng Internet liên quan tới đề tài.

Các cháu đã xây dựng được “sườn” bài và thầy cô cũng đồng ý:

– Di dân là gì?

– Tại sao lại có sự di dân? Các lý do di dân? (do thiếu lương thực, do chiến tranh, đi tìm việc làm, đi tìm cơ hội sống tốt hơn và các lý do khác…)

– Tại sao lại có sự di dân hợp pháp và chưa hợp pháp?

– Lịch sử các cuộc di dân diễn ra thế nào, các cuộc di dân lớn nhất trên thế giới diễn ra bao giờ, ở đâu?

– Nơi nào trên thế giới có sự di dân nhiều nhất…

Riêng cháu tôi là “chủ đề tài” còn được quyền ưu tiên thuyết trình về các cảm nhận của bản thân và gia đình khi quyết định di chuyển từ Việt Nam tới Đan Mạch. Cháu bảo khi nào đề tài này hoàn chỉnh cháu sẽ gửi tặng ông bà ngoại một bản.

Lần trước, nhóm cháu còn làm video clip “Dự báo thời tiết” được thầy cô và các bạn tán thưởng… Cháu lại khoe rằng vài bạn ở Ấn Độ và Pakistan học rất giỏi. Mới có một bạn gái Pakistan lớp cháu đoạt giải nhất quốc gia Đan Mạch về một phần mềm do bạn ấy viết…

***

Ở Đan Mạch người ta rất khuyến khích đọc sách báo.

Trên xe buýt, tàu hỏa, tàu điện ngầm, nhà ga, thường có kệ sách báo miễn phí. Trường cháu tôi thỉnh thoảng lại có một buổi học để trò tự đọc sách báo của thư viện nhà trường. Bữa ấy các cháu được mang theo gối mền và có quyền tự do nằm ngồi đọc sách, miễn là thoải mái. Tôi cũng không thấy cháu tôi mặc đồng phục.

***

Một hôm, vợ chồng tôi trong vai trò phụ huynh tới dự buổi liên hoan văn nghệ kết thúc năm học của trường cháu. Toàn bộ chương trình hơn một giờ đồng hồ, với chủ đề “Con người và đại dương”, vì hè phần lớn các cháu sẽ cùng gia đình tới các vùng biển nhiều nắng ấm để nghỉ dưỡng. Kịch bản do nhà trường xây dựng, thầy trò cùng diễn trên một sân khấu được thiết riêng biệt trong khuôn viên trường. Các diễn viên rất tự nhiên, vui vẻ và hào hứng…

Nguồn: Kinh Tế Sài Gòn Online

Chia sẻ

About Bitex_PTGD

Bitex_PTGD
Đam mê toán học. Quản trị viên Diễn Đàn Toán Casio. Mọi thắc mắc, quý thầy cô và các bạn học sinh vui lòng liên hệ vào hộp thư Inbox tại Fanpage: Diễn Đàn Toán Casio.

Bài Viết Tương Tự

ĐỢT 4-THỂ LỆ KỲ THI TRỰC TUYẾN GIẢI TOÁN TRÊN MÁY TÍNH CASIO NĂM 2023

ĐỢT 4-KỲ THI TRỰC TUYẾN GIẢI TOÁN TRÊN MÁY TÍNH CASIO NĂM 2023     …

×

Sai số! tác hại to lớn của việc sử dụng máy tính Casio giả và cách phòng tránh Chi tiết