BẢY ĐIỀU PHỤ HUYNH CẦN BIẾT ĐỂ BẢO VỆ CON KHỎI BỊ XÂM HẠI
- 07/04/2020
- 65 lượt xem
Bảy điều phụ huynh cần biết bảo vệ con khỏi bị xâm hại.
Trẻ cần phân biệt đụng chạm an toàn và đụng chạm không an toàn, xác định ranh giới bộ phận cơ thể dựa trên bộ đồ bơi.
Trang For Every Mom chia sẻ lời khuyên của Tobi Adeyeye Amosun, bác sĩ nhi khoa người Mỹ và là bà mẹ hai con, về những điểm phụ huynh cần lưu ý về lạm dụng tình dục trẻ em.
Mỗi tháng, tôi gặp 1-2 trường hợp trẻ bị lạm dụng ở phòng khám. Tôi sẽ đề cập đến những tình huống phổ biến nhất từng chứng kiến.
1. Vị trí xảy ra sự cố có thể ở nơi quen thuộc
Tôi đã biết nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ, trong đó thủ phạm phổ biến là những thành viên gần gũi trong gia đình và bạn bè. Họ có thể là người già hoặc thanh thiếu niên, từ anh họ, hàng xóm, bạn của anh trai, bố dượng, chú, người trông trẻ đến bạn trai của mẹ. Phụ nữ cũng có khả năng xâm hại trẻ, nhưng thường ít hơn.
Địa điểm gây nguy hiểm cho trẻ nhiều khi là những nơi quen thuộc, ít bị giám sát như nhà thờ (ở các nước phương Tây). Trường học, trại hè, câu lạc bộ thể thao cũng là nơi bố mẹ ít cảnh giác vì đông người, nhưng vẫn xảy ra tình huống trẻ được phép ở một mình với giáo viên hoặc huấn luyện viên.
Phụ huynh nên trò chuyện với trẻ về ý thức bảo vệ cơ thể từ sớm. Ảnh: Schweizerische |
Điều phụ huynh có thể làm là yêu cầu trường học, huấn luyện viên, nhà thờ cho biết kế hoạch, chính sách đảm bảo an toàn cho trẻ. Điều này ít nhất khiến họ biết phụ huynh ý thức rất cao về vấn đề lạm dụng và có trách nhiệm hơn.
2. Chú ý khi cho con ngủ lại nhà người khác
Con gái tôi được phép đến nhà một vài người bạn, tương ứng với một vài gia đình nhất định để ngủ lại. Không bao giờ có chuyện tôi đồng ý cho trẻ qua đêm ở nơi mà mình không biết rõ, chẳng hạn nhà một người bạn học bình thường ở trường. Những buổi tiệc ngủ có quá đông trẻ em, nơi sự biến mất của một đứa trẻ trong khoảng thời gian nào đó sẽ không bị phát hiện, cũng không phải lựa chọn thích hợp.
Nhiều bệnh nhân của tôi cho biết bị đụng chạm hoặc lần đầu thấy cảnh sàm sỡ là trong một buổi tiệc ngủ. Tôi chỉ có một cơ hội để nuôi dạy con, tôi thà ích kỷ một chút hơn là tỏ ra vô trách nhiệm.
3. Sử dụng các thuật ngữ thích hợp về giải phẫu để chỉ bộ phận cơ thể
Mắt là mắt, đầu gối là đầu gối, dương vật là dương vật. Bạn không nên sử dụng những từ ngữ đáng yêu hay mơ hồ như “của quý” để dạy cho trẻ về các bộ phận cơ thể. Điều này có thể gây rối khi trẻ muốn báo cho bố mẹ về sự cố nào đó.
4. Phân biệt đụng chạm an toàn và đụng chạm không an toàn
Tôi thường dạy trẻ rằng đụng chạm an toàn nằm ở những bộ phận bên ngoài phạm vi của bộ đồ tắm như vai, đầu và chân. Tuy nhiên, sự tiếp xúc này phải khiến trẻ bình tĩnh và không cảm thấy bất an, chẳng hạn cái ôm từ mẹ.
Ngược lại, đụng chạm không an toàn thường nhắm vào những bộ phận bị bộ đồ tắm che phủ, khiến trẻ lo lắng hoặc sợ hãi.
Nếu một người lớn chạm vào trẻ theo cách khiến trẻ không thoải mái, đó là dấu hiệu xấu. Trẻ phải được dặn báo với bố mẹ hoặc người lớn khác về những đụng chạm như vậy. Chúng cần yên tâm là sẽ không bao giờ gặp rắc rối khi nói ra, do đó không nên giữ bí mật.
5. “Người lạ mới nguy hiểm” là quan niệm sai lầm
Phần lớn đối tượng xâm hại trẻ có quen biết rõ với gia đình. Bạn cần ý thức với những hành vi tỏ ra quá tử tế. Một người đàn ông hoặc phụ nữ, có thể kết thân với đứa trẻ và gia đình để giảm sự đề phòng. Thông thường, họ sẽ cố gắng thiết lập mối quan hệ đáng tin cậy với phụ huynh, tìm cơ hội để được ở một mình với trẻ. Mục đích là khi chuyện xâm hại xảy ra, bất kỳ cáo buộc nào của trẻ cũng có vẻ chỉ là bịa đặt. Điều này xảy ra trong hầu hết tình huống tôi chứng kiến.
6. Cảnh giác với nội dung trẻ xem trên điện thoại và máy tính bảng
Không chỉ giám sát chặt chẽ việc dùng thiết bị điện tử của con, bạn cần chú ý khi chúng xem máy của bạn bè. Tôi thường nói với phụ huynh rằng một khi phải trả tiền cho chiếc điện thoại và một khi đứa trẻ dưới 18 tuổi, bạn có trách nhiệm giám sát hoạt động của con trên mạng xã hội, tin nhắn…
Trẻ có rất nhiều cách thông minh để ẩn các hoạt động trực tuyến và phụ huynh thường mất dấu nếu không thường xuyên theo dõi.
7. Tin tưởng vào trực giác
Nếu thấy một người đối xử hơi tốt quá hoặc có vẻ nguy hiểm đối với con, bạn hãy tin vào bản thân và giữ trẻ tránh xa mọi tình huống có thể phải ở một mình với người đó. Chúng ta đều muốn lịch sự với người khác, ngay cả khi họ gây cảm giác lo lắng. Tuy nhiên, một quyển sách có tựa “The gift of fear” đã bàn về việc mọi người thường gạt đi trực giác trong những tình huống tiềm ẩn nguy hiểm, trong khi nhẽ ra cần lắng nghe mình nhiều hơn.
Tôi không khóa những đứa trẻ trong phòng và ném chìa khóa đi, dù muốn bảo vệ chúng mãi mãi. Nhưng tôi hy vọng những lời khuyên thiết thực ở trên với tư cách một bà mẹ và một bác sĩ nhi khoa sẽ giúp bạn cảnh giác với những tình huống xấu và giúp trẻ an toàn. Chúng ta nên bắt đầu cuộc trò chuyện về vấn đề này từ khi trẻ 3 hoặc 4 tuổi.
Tác giả: Thùy Linh
Nguồn: Báo Vnexpress