Cuộc đời của nhà toán học Galoa (Évariste Galois) (II)

Évariste Galois (1811–1832) là một thiên tài toán học người pháp đoản mệnh. Trong mấy giờ đồng hồ, trước khi vĩnh biệt cõi đời vào tuổi 20, ông đã giải quyết toàn vẹn vấn đề đã làm băn khoăn các nhà toán học trong hàng thế kỉ: “Trong những điều kiện nào thì một phương trình có thể giải được” Công trình đã đưa ông lên địa vị các nhà toán học hàng đầu thế giới.

PHẦN 2: THIÊN TÀI BẠC MỆNH GALOA

Bài viết trước: Phần một: Thời niên thiếu của Galoa

Evariste galoisÉvariste Galois (1811–1832) là một thiên tài toán học người pháp đoản mệnh. Trong mấy giờ đồng hồ, trước khi vĩnh biệt cõi đời vào tuổi 20, ông đã giải quyết toàn vẹn vấn đề đã làm băn khoăn các nhà toán học trong hàng thế kỉ: “Trong những điều kiện nào thì một phương trình có thể giải được” Công trình đã đưa ông lên địa vị các nhà toán học hàng đầu thế giới.

3. GALOA THAM GIA CÁCH MẠNG

Tháng 2/1830, lúc 19 tuổi, Galoa được nhận vào trường đại học. Trong năm đó, ông đã hoàn thành một công trình về phương trình đại số và gửi lên viện hàn lâm để dự một kì thi dành riêng cho các nhà toán học. Thư kí của Viện mang bản thảo về nhà xem, nhưng chưa kịp xem thì bị chết. Về sau người ta không tìm thấy dấu vết của bản thảo đó nữa.

Sẵn có ác cảm với xã hội bất công và bản thân mình sau nhiều lần bị vùi dập, tư tưởng của Galoa đã có chuyền hướng quyết định. “Không thể là một sự tình cờ. Xã hội này – theo Galoa – đã kìm hãm khả năng của con người”. Và Galoa đã tích cực tham gia vào các tổ chức chính trị của nhóm Cộng hoà.

Galoa vận động các bạn học tham gia phong trào các mạng. Có đêm Galoa đã bỏ trường trốn ra ngoài để hoạt động. Và tất nhiên, galoa bị đuổi. Cùng cực, Galoa phải mở lớp dạy tư để kiếm ăn. Một thanh niên 19 tuổi mở lớp dạy từ một số lí thuyết do mình sáng tạo ra: thuyết về số ảo, thuyết về nghiên cứu phương trình theo căn thức, v.v… Cũng rất dễ hiểu là lớp này không có người học! Galoa đành phải xin vào pháo binh để có cơm ăn.

Sau đó, Poátxông, nhà toán học nổi tiếng lúc bấy giờ giúp đỡ, Galoa lại gửi tiếp lên viện Hàn lâm một công trình về cách giải tổng quát phương trình, mà ngày nay gọi là thuyết Galoa. Poátxông nhận trình bày công trình của Galoa trước Viện Hàn lâm. Nhưng do không nghiên cứu kĩ tài liệu viết quá cô đặc của Galoa, Poátxông đã trình bày sơ lược và kết luận: “tài liệu khó hiểu…”

Simeon Poisson

Hình 1. PoátXông, người đã trình bày công trình của Galoa và kết luận: “Tài liệu khó hiểu”

Hi vọng cuối cùng có thể là hết! Có lúc Galoa đã thốt lên: “Nếu cần làm cho nhân dân nổi loạn thì tôi sẵn sang hiến bản thân tôi”.

Tháng 5 năm 1831, gần 200 thanh niên Cộng hoà đã họp để phản đối một đạo luật của chính phủ. Người ta nâng cốc chúc mừng cách mạng 1789. Trong không khí căng thẳng, Galoa đứng dậy, một tay nâng cốc rượu, một tay cầm dao găm và hô to: “Mừng vua Lui Philip này!” Thái độ của Galoa được hoan nghênh nhiệt liệt và mọi người đổ ra đường biểu tình. Ngay sau đó Galoa bị bắt và bị giam tại nhà lao Xanh Pelaghi từ 14/6/1831 đến 16/3/1832.

Chế độ hà khắc của nhà tù chỉ mới mấy tháng đã làm cho Galoa già đi nhiều (theo lời kể của người chị Galoa).

4. NHỮNG GIỜ KHẮC CUỐI CÙNG CỦA GALOA

Sau khi Galoa được thả, không ai được rõ những sự việc đã xảy ra. Người ta chỉ đoán qua ba bức thư mà Galoa để lại. Trong “thư gửi tất cả những người cách mạng” đề ngày 29/5/1832, Galoa viết “Tôi mong các bạn đừng trách tôi đã không chết vì tổ quốc… Tôi bị hai kẻ thù địch khiêu khích, tôi đã nhận đấu kiếm với chúng, vì danh dự tôi không cho phép tôi bàn trước điều đó với các bạn … Vĩnh biệt các bạn! Tôi vẫn rất muốn sống vì lợi ích chúng ta”.

Đó là những lời cuối cùng của Galoa. Biết mình sắp chết, Galoa đã thức suốt đêm để viết những công trình nghiên cứu của mình. Thỉnh thoảng Galoa lại ngừng lại và viết vội vàng, run run bên lề trang giấy: “Tôi không có thì giờ, không có thì giờ nữa…”

E. Galois Letter Galois notes

Hình 2. Một số trang giấy mà Galoa viết lúc rạng đông

Những trang giấy mà Galoa viết lúc rạng đông, trong khoảng mấy giờ đồng hồ tuyệt vọng, đã đưa Galoa lên địa vị các nhà toán học lỗi lạc hàng đầu của thế giới. Ông đã giải quyết trọn vẹn vấn đề đã làm băn khoăn các nhà toán học trong hàng bao thế kỉ: “trong những điều kiện nào thì một phương trình có thể giải được?” Trong công trình này ông đã vận dụng tài tình lý thuyết nhóm và vì thế ngày nay người ta xem Galoa như là người tiên phong trong lí thuyết đó, một lí thuyết đã chiếm ngôi vị đặc biệt quan trọng trong toán học hiện đại và vật lí hiện đại.

Galoa đã giao công trình trên cho một người bạn thân là Sơvaliê cùng một số bản thảo nữa, nhờ ông trình cho Viện Hàn lâm. Galoa viết: “Anh gửi họ những công trình này cho Giacôbi hay Gauxơ và yêu cầu các ông ấy cho biết ý kiến – không phải là việc tôi làm đúng hay sai – mà về tầm quan trọng của nó đối với toán học”.

Mờ sáng 30/5/1832, Galoa gặp kẻ thù. Hai người dùng súng lục cách nhau chỉ vài mét; một viên đạn trúng vào bụng Galoa, ông ngã xuống. Một vài giờ sau, một người dân địa phương đi qua thấy vậy đã đưa ông vào bệnh viện Côsanh. Trong giây phút cuối cùng Galoa đã nói với anh ruột mình: “Anh đừng khóc, em cần tỏ long dung cảm của mình để có thể chết vào tuổi hai mươi”.

Galoa từ chối linh mục đến cầu kinh và 10 giờ sáng ngày 31/5/1832 Galoa đã vĩnh biệt cõi đời. Nhưng 60 trang giấy mà ông để lại trong đêm cuối cùng mãi mãi là một đài kỉ niệm bất tử của một thiên tài trẻ, mà cuộc đời ngắn ngủi là một bản cáo trạng chế độ xã hội cũ đã vùi dập tài năng của con người.

Theo Lê Hải Châu-“Danh nhân toán học thế giới”

———————————

Ps: Nhờ sự thiên tài của ông mà ad đã phải học lại môn Lí thuyết trường Galoa tới tận 2 lần, ác mộng thời sinh viên của ad.

Bài viết trước: Phần một: Thời niên thiếu của Galoa

Chia sẻ

About Bitex Khánh Vũ

Bitex Khánh Vũ

Bài Viết Tương Tự

Mặt phẳng đối cực – Câu 44 đề thi minh hoạ BGD và ĐT

  Ghi nhớ: Nếu từ một điểm nằm ngoài mặt cầu ta vẽ tất cả …

×

Sai số! tác hại to lớn của việc sử dụng máy tính Casio giả và cách phòng tránh Chi tiết